Đây chắc chắn là hình thức nhà ở thông dụng nhất cho sinh viên Việt Nam tại Úc vì việc tìm nhà bên ngoài sẽ dễ dàng. Việc thuê nhà ở ngoài luôn đáp ứng được những nhu cầu cá nhân của từng cá nhân, mà lại vô cùng hợp túi tiền nếu bạn biết tìm!
Nhưng nên thuê nhà nguyên căn hay chỉ thuê phòng trong thời gian du học Úc? Thuê ở đâu cho tiết kiệm? Không thể biết trước người bạn chia nhà chung là người như thế nào? Cần lường trước những vấn đề gì trong quá trình sống chung? Lời đáp cho những thắc mắc kể trên sẽ được tìm thấy trong bài viết dưới đây!
Chi phí cho thuê nhà riêng là bao nhiêu?
Chi phí cho thuê của bạn sẽ thay đổi tùy theo loại hình nhà ở, địa điểm (tùy vào thành phố, tiểu bang, thậm chí là cả đường phố) và cả những tiện nghi kèm theo. Có nơi cho thuê với giá đã gồm cả điện, nước, Internet, chi phí cống/rác và những đồ đạc sẵn có trong nhà, nhưng có nơi chỉ giao cho bạn mỗi một căn nhà trống! Giữa một căn hộ một phòng ngủ không có tiện nghi với giá 400 đô la Úc và một căn hộ tương đương 525 đô la Úc đã gồm điện, internet, và nước / cống / rác cũng đã có sự khác biệt rất lớn.
Cho nên, trước khi ký hợp đồng, bạn cần dám chắc rằng đây là một mức cho thuê hợp lý với điều kiện tài chính cá nhân để giảm thiểu chi phí xuống mức thấp nhất. Hãy đảm bảo rằng bạn có thể “trụ” được tại đây trong một thời gian nhất định. Một số trang web cho thuê nhà cũng đưa lời khuyên về thỏa thuận giữ nhà vào kỳ nghỉ. Hãy thử hỏi xem họ có đồng ý giảm giá (có chủ nhà tốt bụng đã giảm đến ½ tiền thuê nhà cho kỳ nghỉ hè) khi bạn đi du lịch dài ngày không.
Thuê nhà ở đâu để tiện lợi và tiết kiệm?
Thường thì các khu vực thuê nhà sẽ được phân theo 3 nhóm chính. Tuỳ từng khu vực mà giá cả có thể khác nhau.
- Khu vực gần trung tâm: Đây là khu vực có thể cho là đắt tiền nhất. Ưu điểm là bạn có thể ở gần các tiện nghi, đông đúc, cuộc sống nhộn nhịp. Tuy nhiên, khuyết điểm là phí sẽ khá cao.
- Khu vực gần trường/trung tâm mua sắm: Ở các khu này thường thì chi phí cũng sẽ tương đối cao (tương đương hoặc thấp hơn chi phí ở khu vực thứ nhất). Ưu điểm là tiện cho việc đi học và cũng khá gần các tiện nghi. Khuyết điểm là giá cả và khả năng bạn tìm được công việc làm thêm cũng thấp hơn (trường hợp những khu học xá nằm xa trung tâm thành phố).
- Khu vực ngoại ô: Đây là lựa chọn cực kì tiết kiệm cho du học sinh. Nếu các bạn vừa qua Úc, đừng ngần ngại mà hãy dọn ra các vùng ngoại ô có bán kính từ 10 đến 20km so với khu học xá hoặc nơi bạn dự định sẽ tìm việc làm thêm. Với cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng dày đặc, cùng một môi trường an ninh tốt, việc các bạn đi làm không nên là rào cản cho việc ở ngoại ô. Ưu điểm là bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Một phòng riêng ở khu vực ngoại ô chỉ tốn từ 450-700 AUD /tháng, trong khi ở City (khu trung tâm) là 1500-3000 AUD/tháng. Nếu xác định ở ngoại ô, bạn thậm chí còn có thể nghĩ đến chuyện thuê nhà nguyên căn.
Cuối cùng, thực tế là có nhiều bạn du học sinh mình biết đã chọn sống gần các khu người Việt, khu Châu Á vì sợ cảm giác nhớ nhà. Khuyết điểm có thể là phải ở hơi xa, nhưng bạn hoàn toàn có thể bắt xe lửa, xe buýt hoặc thậm chí tập lái xe. Chắc chắn rằng bạn cũng muốn đi đây đi đó chứ đâu phải chỉ ở nhà hoài, nên việc biết sử dụng các phương tiện công cộng hoặc lái xe vẫn là một lựa chọn có lợi.
Đồ đạc có đầy đủ hay không?
Đối với sinh viên quốc tế thì đây là điều cần cân nhắc kỹ. Bạn phải biết mình đang muốn một chỗ thuê có đồ đạc hay là không. Tuy giá thuê những căn trống thường rẻ hơn, nhưng liệu bạn đã nghĩ đến khoản chi dành cho những món đồ mình phải mua để “đắp” vào chưa? Liệu những khoản này có xứng đáng không, khi mà bạn chỉ học ở đây có một năm, và sau khi rời đi thì bạn định sẽ “xử lý” chúng thế nào. Bạn cũng cần lường trước trường hợp hỏng hóc đồ đạc. Có những chủ nhà tốt bụng chịu lãnh trách nhiệm sửa sang đồ đạc hay chi trả cho vấn đề sữa chữa (máy móc, thiết bị, điện, nước…) nhưng cũng có người “bỏ lơ” vấn đề này. Cách tốt nhất là ghi rõ trách nhiệm của hai bên khi có hỏng hóc đồ dùng để dễ bề phân xử.
Những người bạn chia nhà chung
Một vấn đề chung mà không hiếm du học sinh tại Úc gặp phải đó là việc bị sống trong một căn hộ/căn nhà nhồi nhét. Lí do là vì họ đã không hỏi rõ chủ nhà khi ký hợp đồng về số người mà họ sẽ sống cùng. Thậm chí, có người đã vào ở rồi mới biết mình không chỉ chia nhà mà còn phải chia phòng ngủ với một người khác và chia tiện ích (bếp, toilettes, phòng tắm, máy giặt, tủ lạnh) với… gần chục người khác! Quan trọng là không dễ gì khi phải sống chung với những người bạn mà bạn không hề quen biết trước nên có thể sẽ xảy ra những chung động do khác biệt văn hóa.
Vấn đề an ninh
Vì bạn sẽ phải đi học, đi làm thêm liên tục và có thể phải trở về nhà muộn nên cũng cần thận trọng với khâu an ninh. Trước khi dọn vào, hãy lên mạng tìm kiếm thông tin trị an của khu vực đó, liên hệ bạn bè Úc hay nhà trường để có được lời khuyên của dân bản xứ và hay nhất là lân la hỏi thăm những ai sống trong khu vực này. Vấn đề an ninh còn liên quan đến các yếu tố an toàn tư trang (nhà có khóa riêng cho từng thành viên không, hệ thống cửa có chắc chắn không) hay vấn đề phòng cháy chữa cháy (có lối thoát hiểm không, có hệ thống điện an toàn không).
Hợp đồng
Lời khuyên đọc kỹ hợp đồng trước khi ký là không hề thừa. Trước hết, hãy rà lại các thông tin quan trọng như họ tên chủ nhà, thời hạn thuê nhà, thời gian đóng tiền nhà mỗi tháng, số tiền, những khoản bao gồm và không bao gồm trong tiền thuê nhà cũng như khoản tiền đặt cọc và người bảo đảm (trong trường hợp bạn không thể trả tiền nhà đúng hạn). Bản hợp đồng thuê nhà càng chi tiết bao nhiêu, càng thuận tiện hơn cho bạn khi rời đi. Hãy viết ra giấy bất kì điều gì mà bạn nghĩ ra được để tiện “nói có sách mách có chứng”, gồm cả những điều khoản như bạn có được nuôi thú cưng không, chủ nhà có cần bạn mua bảo hiểm nhà ở không, hoặc là những dụng cụ cụ thể nào là thuộc về chủ nhà (bao nhiêu chén, bao nhiêu ghế…)
Có thể bạn cho là hoang đường, nhưng thực tế đã có những du học sinh đồng ý thuê nhà bằng hợp đồng miệng. Đây thật sự là một cách làm dại dột cho chính bạn sau này nên tốt nhất là hãy né xa!