Khi chuẩn bị du học hoặc định cư Canada, rất nhiều phụ huynh đều quan tâm tới hệ thống giáo dục Canada. Liệu nó có thực sự tốt cho bản thân và người thân của họ sau này? Cùng chúng tôi đi tìm lời giải trong bài viết dưới đây.

Tổng quan về Hệ thống Giáo dục tại Canada

Hệ thống giáo dục Canada chịu giám sát bởi chính quyền liên bang nhưng việc quản lý và vận hành thuộc về trách nhiệm cấp tỉnh/vùng lãnh thổ, có nghĩa là hệ thống ở Ontario sẽ khác với hệ thống ở British Columbia, v.v. Ngay cả trong một tỉnh, giáo dục có thể khác nhau đáng kể giữa các trường học và không có hệ thống đồng nhất các quy định về giáo dục.

Tuy nhiên, tựu chung lại thì hệ thống giáo dục Canada khá giống với anh bạn láng giềng Hoa kỳ và được chia thành 3 giai đoạn: giáo dục mầm non hoặc trước mẫu giáo, giáo dục tiểu học và trung học (còn gọi là K-12), và giáo dục sau trung học.

Trường Công ở Canada hầu như là các trường hỗn hợp gồm có cả nam và nữ. Tuy nhiên, có một số trường tư thục ở Canada chỉ cung cấp các lớp học cho nam sinh hoặc nữ sinh. Trường học sẽ trang bị cho học sinh tất cả các sách giáo khoa cần thiết. Học sinh chỉ phải mua những đồ dùng học tập như bút chì và vở để chuẩn bị cho một năm học.

Bắt nạt bị nghiêm cấm triệt để trong các trường học ở Canada. Có các chương trình phòng chống bắt nạt học đường được thực hiện ở nhiều trường học trên cả nước để đảm bảo sự bình đẳng và bảo vệ trẻ em.

Hệ thống giáo dục của Canada được phân ra trường Công và trường tư. Tuy nhiên dù thuộc loại hình nào thì các trường cũng phải đăng ký và thỏa mãn được yêu cầu theo đúng quy định chính quyền Tỉnh và Liên Bang. Điều quan trọng là cân nhắc sao cho phù hợp dựa trên phân tích toàn diện về khả năng học tập của trẻ, nguồn tài chính của gia đình và kỳ vọng của bạn đối với trẻ.

Hệ thống giáo dục sẽ gồm các cấp bậc đào tạo sau:

Giáo dục mầm non (Preschool or pre-kindergarten)

Mẫu giáo hay tiền tiểu học là giai đoạn giáo dục đầu tiên ở Canada, dành cho trẻ em trong độ tuổi từ (3-5 tuổi). Chúng được cung cấp bởi các trường công lập, tư thục và liên bang, tuỳ thuộc vào nơi bạn chọn để gửi con mình.

Ở hầu hết các khu vực, năm đầu tiên của trường mầm non là công lập và miễn phí, trong khi một số tỉnh cung cấp các năm học bổ sung miễn phí, chẳng hạn như Quebec cung cấp mẫu giáo miễn phí cho những người thuộc các gia đình có thu nhập thấp hoặc cho trẻ em khuyết tật.

Chương trình giảng dạy dành cho lứa tuổi mầm non ở Canada rất thoải mái và là cơ hội để học sinh nhỏ tuổi học bảng chữ cái, các kỹ năng cơ bản như đếm, đọc chữ, âm nhạc, nghệ thuật và cách giao tiếp với người khác. Các chương trình này được thiết kế đặc biệt để chuẩn bị cho trẻ em bước vào giai đoạn học tiểu học!

Tiểu học (Primary School hoặc Elementary School)

Giáo dục Tiểu học ở Canada là bắt buộc, bắt đầu từ lớp 1, thường ở độ tuổi 6 hoặc 7 và cho đến lớp 6 ở độ tuổi 11 đến 12 tuổi. Ở Canada, học sinh ở các lớp giáo dục tiểu học thường chỉ học dưới sự hướng dẫn của một giáo viên, dạy tất cả các môn học trong cùng một lớp học. Các chương trình giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật cũng được thiết kế sẵn, lúc này có thể có đến 4 giáo viên để hỗ trợ giảng dạy.

Chương trình học ở giai đoạn giáo dục Tiểu học bao gồm một số môn học như toán học, đọc hiểu, ngữ văn (thường là tiếng Anh, tiếng Pháp ở Quebec), nghiên cứu xã hội, lịch sử, địa lý, khoa học, âm nhạc, nghệ thuật và giáo dục thể chất. Đương nhiên, độ khó của chương trình giảng dạy nói trên sẽ tăng lên khi học sinh lên lớp.

Ngoài giờ học trên lớp ra thì có rất nhiều hoạt động ngoại khóa, chủ yếu tập trung khai thác sở thích của trẻ trong giai đoạn đầu phát triển. Rất nhiều chuyến đi dã ngoại được tổ chức trong năm và địa điểm tham quan rất đa dạng, tập trung vào tìm hiểu thiên nhiên, cuộc sống tại vùng đất mà các em sinh sống.

Trung học (Secondary School)

Đối tượng: trẻ từ 14,15 tuổi (Lớp 9) đến 17,18 tuổi (Lớp 12), có thể kéo dài đến lớp 13 (Ontario)

Tại trường trung học, học sinh có thể lựa chọn chương trình kết hợp văn hóa và tiếng Anh.

Tại trường trung học, học sinh có thể lựa chọn chương trình kết hợp văn hóa và tiếng Anh. Giáo viên phải có ít nhất 1 bằng cử nhân và 1 năm đào tạo thực tập sư phạm, nhiều người học lên để có bằng master để có thể đứng lớp.

Tùy từng Tỉnh Bang mà thời điểm bắt đầu và kết thúc năm học có sự thay đổi. Tuy nhiên, hầu hết các trường sẽ bắt đầu học từ tháng 9 đến tháng 6 và thời gian học trong tuần là thứ Hai đến thứ Sáu.

Nếu xét riêng về Du học sinh, hầu hết các trường không đòi hỏi bằng Anh văn, chỉ cần bạn đó có điểm học văn hóa tốt. Khi bắt đầu vào trường, du học sinh sẽ trải qua một bài thi ngoại ngữ để xác định có cần học thêm ngoại ngữ ngoài các môn học văn hóa hay không cũng như để phân loại trình độ và xếp lớp.

Giáo dục sau phổ thông (Post-secondary Education)

Bậc Cao đẳng: 

Bao gồm 3 loại hình:

  • Cao đẳng đại học (University College)
  • Cao đẳng cộng đồng (Community College)
  • Cao đẳng nghề (Technical Institute/Career College)

Các trường cao đẳng trong hệ thống giáo dục Canada mang tính thực tiễn nhiều hơn các trường đại học, đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội và thị trường lao động. Thời gian đào tạo thường dao động trong khoảng 1 – 3 năm, ngắn hơn so với thời gian học tại các trường đại học.

Bậc Đại học:

Canada là đất nước sở hữu số lượng lớn các trường đại học được đánh giá cao và nằm trong top đầu thế giới. Tại đây, sinh viên sẽ được tiếp cận với những ngành học đa dạng và tiên tiến nhất như: công nghệ gen, công nghệ nano, thiết kế phần mềm, lập trình game, lập trình ứng dụng,…Các bậc học sau đại học như cao học, thạc sĩ, tiến sĩ…cũng tương tự như hệ thống giáo dục tại Việt Nam.

Năm học thường bắt đầu từ tháng 9, tuy nhiên không phải là lỳ nhập học duy nhất. Quanh năm, các trường thường có tới 3 kỳ nhập học, lần lượt vào tháng 1, tháng 5 và tháng 9. Hầu hết không tổ chức thi tuyển mà xét tuyển thông qua hồ sơ.

Mở rộng: Các trường dạy tiếng (Language School)

Canada là một trong những quốc gia sử dụng song ngữ Anh – Pháp và cả hai đều được công nhận là ngôn ngữ chính thức của Quốc gia này. Do đó, sẽ có trường/chương trình dạy tiếng Anh (ESL) hoặc Pháp (FSL). Học sinh có thể tiếp xúc với chương trình này ngay từ bậc trung học phổ thông.

Một số điểm nổi bật trong Hệ thống Giáo dục Canada

Khuyến khích học sinh “tự thân vận động”

Hệ thống giáo dục tại Canada theo xu hướng khuyến khích tự làm tự nghiên cứu. Thay vì truyền tải bài giảng theo một khuôn mẫu có sẵn, tất cả học sinh luôn được khuyến khích lựa chọn những môn học dựa trên thế mạnh và sở thích của bản thân. Trên lớp thầy cô giáo chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ giảng dạy những nội dung cơ bản và tạo môi trường học tập tự do cho học sinh, sinh viên thoải mái trao đổi, nghiên cứu.

Điều này thể hiện rõ rệt nhất ở các trường học mẫu giáo hoặc tiểu học ở Canada, học sinh sẽ được rèn luyện tính tự lập từ những việc nhỏ nhất như tự ăn cơm, tự dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong,… Điều này không chỉ khuyến khích học sinh phát triển kỹ năng sáng tạo, mà còn phát huy được hết tố chất riêng của bản thân.

Đánh giá cao sự sáng tạo, không áp đặt điểm số

Bên cạnh việc đánh giá bằng thang điểm, giáo viên sẽ đánh giá năng lực của từng học sinh qua khả năng tư duy phát triển, khả năng tiếp thu bài học trên lớp và phản biện trong những giờ làm bài nhóm. Canada luôn ưu tiên đánh giá cao về khả năng tư duy phát triển và khám phá sáng tạo ra những điều mới mẻ. Do đó, tiêu chuẩn học bổng không chỉ dành cho những học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc mà còn thêm các yếu tố về hoạt động xã hội, đóng góp cho cộng đồng, công trình nghiên cứu,…

Không có sách giáo khoa hay chương trình học cụ thể

Nền giáo dục của Canada không có hệ thống sách giáo khoa hay chương trình học cụ thể. Thay vào đó, học sinh, sinh viên sẽ được hướng dẫn đi theo chương trình học do giáo viên, giảng viên tự chuẩn bị. Tuy nhiên, những giáo án mà giáo viên, giảng viên soạn thảo vẫn bám sát nội dung cần giảng dạy do nhà trường và chính quyền tỉnh bang đề ra.

Hỗ trợ phát triển kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm

Ngoài những kiến thức trên lớp và kinh nghiệm làm việc thực tế, học sinh, sinh viên còn được hỗ trợ phát triển kỹ năng miễn phí: được bổ trợ các kĩ năng như viết, thuyết trình, dạy học, xin việc, ghi chép, làm bài kiểm tra, điều chỉnh cảm xúc bản thân, kĩ năng giao tiếp,…

Các trung tâm giáo dục Canada còn hỗ trợ sinh viên kết nối với nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.

Kết hợp song song giữa lý thuyết và thực hành

Ngoài những bài giảng lý thuyết trên lớp, các giáo viên luôn cố gắng giúp học sinh tiếp thu mọi kiến thức một cách dễ dàng và thú vị hơn thông qua những tiết thực hành ngay trên lớp hoặc các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại thực tế.

Với những bạn theo học bậc Cao đẳng, Đại học – Sau Đại học, bạn sẽ được tham gia Chương trình hợp tác (Co-op Education) – cho phép sinh viên kết hợp giữa lý thuyết ở lớp học và kinh nghiệm làm việc thực tiễn tại các doanh nghiệp liên kết với trường ngay trong thời gian học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Facebook 0916.161.083 Tải tài liệu