Ngày trở về quê nhà, khi chuyến bay bắt đầu hạ cánh mấy ai có thể tưởng tượng được một hiện tượng sốc văn hóa nữa lại xảy ra – ” sốc văn hóa ngược”. Chúng ta cứ nghĩ rằng sốc văn hóa ngược không phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng tuy nhiên ít ai biết được là nó lại gây ảnh hưởng tâm lý khá nhiều. Để có thể vượt qua được cú sốc văn hóa ngược này bạn cần phải chuẩn bị trước tâm lí, và để vượt qua được thì bạn cần phải hiểu rõ về nó.

Sốc văn hóa ngược là gì?

Sốc văn hóa ngược hay còn gọi là Reverse culture shock/ Re-entry shock, là tình trạng thường xảy ra khi một người thích nghi với văn hóa, lối sống ở một quốc gia khác, khi quay trở lại nước hay môi trường quen thuộc xưa, bắt đầu cảm thấy lạ lẫm, bối rối trước những thay đổi, khác biệt giữa cái mới và cái cũ, giữa ký ức và hoàn cảnh hiện tại.

Người gặp phải tình trạng Sốc văn hóa ngược thường sẽ rơi vào khủng hoảng về bản sắc và nhân dạng, họ bị giằng xé giữa 2 hay nhiều nền văn hóa khác nhau, không xác định được đâu mới là chính mình thật sự.

Hiện tượng sốc văn hóa ngược của sinh viên khi về nước

Mỗi năm, Việt Nam chào đón một làn sóng các du học sinh hồi hương sau một thời gian dài học tập tại nước ngoài. Bất kể vì lý do cá nhân hay công việc, thì đối với một số du học sinh, hồi hương vẫn mang một nỗi buồn không tên.

Ngày chuẩn bị lên đường, du học sinh Việt gói ghém hành lý với tất cả hy vọng. Đó có thể là hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, một nền giáo dục hiện đại hơn và một công việc lý tưởng hơn. Hoặc chỉ đơn giản là muốn tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ hơn.

Dù lý do có là gì đi chăng nữa, thì khi đặt chân lên xứ lạ, được tiếp xúc với những thứ mà trước giờ chỉ nhìn thấy qua màn ảnh, Internet hoặc được người nước ngoài nào đó rỉ tai. Những điều mới mẻ nhanh chóng được tiếp thu, đặc biệt là đối với du học sinh, trải nghiệm càng trở nên nhiệm màu. Cuộc sống tập thể khăng khít, trường mới, bạn mới và các hoạt động ngoại khóa khiến họ khao khát được trở thành một công dân Mỹ, Canada hoặc Úc thực thụ. Quả thật, khoảng thời gian phiêu lưu đó giúp con người ta như được mở rộng tầm mắt.

Sau khi tốt nghiệp, họ thông thạo thêm một ngôn ngữ mới, được trang bị đầy đủ kiến thức hoặc tuyệt vời hơn nữa là mang trong mình một trường tư tưởng, đạo đức và thế giới quan mới. Họ trở về Việt Nam với tất cả sự tự tin mặc dù không biết điều gì đang chờ đón mình phía trước. Và sau bốn năm, trước mắt họ là một Việt Nam thay đổi với tốc độ chóng mặt.

Xa nhà khiến con người ta thay đổi và hiểu mình hơn. Ngày trở về, họ không tài nào thích nghi với cuộc sống cũ và cảm thấy như thể mình đang ở một đất nước xa lạ. Khoảng thời gian đầu có lẽ sẽ khiến nhiều người hoang mang tột độ.

Một cú sốc văn hóa ngay tại quê nhà!

Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ: Sự khủng hoảng cá nhân mà du học sinh mắc phải khác xa với cảm xúc mà một Việt kiều hoặc một người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam có thể trải qua.

Đối với một Việt kiều, quay về không phải là điều gì to tát bởi suy cho cùng, sinh ra ở phương Tây, mang phong cách Tây từ lúc lọt lòng mẹ, Việt Nam là một vùng đất xa lạ mà họ muốn trở về để khám phá cội nguồn. Nếu trải nghiệm nơi đất mẹ có lỡ khác xa với những gì họ tưởng tượng thì cũng chẳng sao, bởi họ luôn có thể khăn gói quay về nơi mình sinh ra. Còn nếu thích nghi được, Việt Nam sẽ lấp đầy khoảng trống về cội nguồn mà họ thiếu bấy lâu nay. Quê hương tuy không đẹp hoàn hảo nhưng được là một người con đất Việt vẫn đáng để kiêu hãnh.

Còn đối với những người ngoại quốc nhập cư, Việt Nam thú vị như một cuốn tiểu thuyết hoặc một chuyến phiêu lưu. Cho dù có sống ở Việt Nam bao lâu đi nữa, thì họ vẫn luôn khám phá được những điều mới mẻ. Và sẽ thật thần kì nếu họ nói sành sỏi tiếng Việt. Còn nếu họ cưới một cô dâu Việt, đất nước này sẽ trở nên thân thuộc như là quê hương thứ hai.

Đó là các cảm xúc mà một Việt kiều hoặc người nhập cư sẽ trải qua khi sinh sống ở Việt Nam. Còn đối với du học sinh về nước, Việt Nam là gì trong họ?

Có thể nói, là một người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, đất nước và con người ở đây đâu có còn xa lạ gì mà khám phá. Nói trắng ra, không ít du học sinh còn muốn rũ bỏ cái mác “Việt Nam” của mình. Nhắc tới Việt Nam, họ nhớ tới một nền giáo dục còn nhiều sai sót và những môi trường làm việc làm thì ít, bị hành thì nhiều. Sinh ra đã là một phần của thực trạng đó, lại có dịp trải nghiệm những điều tốt đẹp hơn nơi đất khách quê người. Thử hỏi, có mấy ai hào hứng trở về?

Thế là thay vì đối diện với thực tế, họ chỉ ngồi hồi tưởng về những tháng ngày du học đẹp đẽ. Trong khi đó, bạn bè – những người học tập tại chỗ hoặc về nước sớm hơn – đã sớm ổn định. Xét về trình độ học vấn, không biết ai hơn ai, nhưng xét về những mối quan hệ xã hội – một luật bất thành văn cho sự thành công ở Việt Nam, ai xây dựng giúp họ khi họ xa quê?

Mọi thứ kể trên là tiền đề cho sự khủng hoảng cá nhân. Nếu một du học sinh trở về và đối mặt với căn bệnh tâm lý này, đồng nghĩa với việc họ đang tự trói mình lại. Có vượt qua được hay không, tùy thuộc rất nhiều vào ý chí mỗi người. Có người chịu thua thực tại, tìm cách “chạy trốn” lần nữa.

Còn nếu không thể “chạy trốn”, du học sinh cần phải chấp nhận thực tế và nhìn nhận một cách tích cực hơn – xốc tinh thần lên, sống cùng Việt Nam, lớn cùng Việt Nam. Sự thật đó là Việt Nam chúng ta đang phát triển. Và ở một nước đang phát triển với tốc độ chóng mặt như thế này, cơ hội là không thiếu, quan trọng là bạn có chịu nắm bắt hay không?

Còn nếu tư tưởng sính ngoại đã ăn sâu vào các bạn du học sinh, thì cho dù họ có đi xa đến đâu, thành công đến thế nào, thì có một sự thật không bao giờ thay đổi: Họ vẫn là người con đất Việt. Nhưng, khi một con người ta chối bỏ nguồn cội của mình, thì có đi bao xa chăng nữa… cũng không bao giờ biết được mình là ai.

Lời khuyên cho du học sinh về nước

Làm thế nào để tránh khỏi bỡ ngỡ khi quay trở lại quê hương? Để hạn chế hiện tượng sốc văn hóa ngược, sinh viên cần chú ý tới những điều dưới đây:

Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng khi về nước

Bắt đầu với môi trường tại quê hương, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để tiếp cận cái mới.

Rất nhiều bạn trẻ đã lập nghiệp thành công trên chính quê hương mình và điều quan trọng nhất là phải am hiểu thực tế, sẵn sàng đối đầu khó khăn. Có như vậy mới đứng vững được trên tài năng của chính mình.

Nếu khó khăn với việc tìm kiếm công việc phù hợp, bạn có thể ứng tuyển vào các công ty nước ngoài. Có trình độ, có ngoại ngữ cộng với tư tưởng cởi mở sẽ dễ thành công hơn.

Ngưng “ảo tưởng sức mạnh” để tránh hiện tượng sốc văn hóa ngược

Nhiều du học sinh thường bị “ảo tưởng sức mạnh” khi họ đặt mục tiêu cao khi về nước. Hoặc muốn áp dụng ngay và luôn những gì mình học được vào Việt Nam.

Tuy nhiên, môi trường, nền văn hóa khác biệt khiến bạn không thể thực hiện được ước mơ. Có thể những cái sinh viên học được rất hữu ích ở nước ngoài nhưng lại không phù hợp với Việt Nam.

Mặc dù chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng hầu du học sinh trở về đều bị sốc. Các bạn cần một khoảng thời gian để thích nghi và thay vì tìm hiểu nguyên nhân để nâng cao năng lực bản thân thì các bạn lại đổ lỗi cho môi trường.

Thành công của mỗi du học sinh về nước không chỉ nằm ở môi trường làm việc. Chúng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, năng lực và khả năng thay đổi, thích nghi là vô cùng quan trọng. Hãy bớt “ảo tưởng”, đặt đúng mục tiêu khi trở về.

Hy vọng, bài viết trên đây sẽ giúp bạn sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về việc du học sinh trở về nước. Cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, thích ứng với mọi tình huống để tránh hiện tượng sốc văn hóa ngược bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Facebook 0916.161.083 Tải tài liệu