Úc mở cửa du lịch với nhiều hoạt động văn hóa và khám phá thú vị! Có muôn vàn câu hỏi kể từ khi tìm hiểu và dự định đến xứ sở chuột túi. Để chuyến đi thuận lợi hơn, bạn cần đổi tiền sang đô la Úc (AUD) tại Việt Nam và nên lưu ý không được mang quá 5000 USD. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng thẻ thanh toán quốc tế để tránh rắc rối không cần thiết. Tiết kiệm chi phí chi tiêu là vấn đề với nhiều du khách. Hãy cùng NGG tìm hiểu từ bài viết dưới đây nha!
Đừng để bị phạt tiền khi nhập cảnh!
Mọi du khách đến Úc sẽ nhận 1 tờ khai nhập cảnh. Họ có quy định những hàng hóa bị cấm hoặc hạn chế đem vào nước Úc. Nếu bạn mang theo sản phẩm, hàng hóa được liệt kê trong tờ khai thì hãy trả lời trung thực bởi hải quan sẽ kiểm tra hành lý của bạn.
Kinh nghiệm:
- Cân nhắc có nên đem hàng hóa bị cấm/ hạn chế đem vào Úc hay không? Bạn có thể tham khảo danh sách hàng hóa trong mẫu tờ khai bên dưới.
- Nếu để tiết kiệm và sợ không quen đồ ăn của Úc, bạn muốn đem theo những mặt hàng khô thì chọn loại đóng gói thương mại. Bạn nên để riêng chỗ dễ lấy, sẽ thuận tiện hơn khi hải quan kiểm tra.
- Nếu bạn không rõ loại hàng hóa bạn đem có bị hạn chế đem vào Úc thì nên chụp ảnh lại và hỏi trực tiếp hải quan khi nhập cảnh, để đảm bảo việc khai báo của bạn là đúng.
Tối đa hóa việc di chuyển phù hợp với lịch trình
Ở Sydney có chuyến tàu chạy thẳng từ sân bay về trung tâm thành phố với giá tầm 20 AUD (1 AUD bằng khoảng 16.000 đồng). Tuy nhiên, ngay khi vừa đáp sân bay Úc, tôi đã tìm nơi làm thẻ Opal để thanh toán cho việc di chuyển các phương tiện công cộng.
Bạn có thể bắt xe buýt số N20 về trung tâm với giá khoảng 3 AUD hoặc bắt xe buýt số 420 từ sân bay đến trạm Mascot, sau đó bắt tàu từ Mascot về ga trung tâm với chi phí dưới 5 AUD. Như vậy, bạn tiết kiệm đã được hơn 15 AUD.
Ở Melbourne cũng có cách thức tương tự. Vì nếu bắt tàu/ buýt trực tiếp ở sân bay vào thành phố sẽ tốn khoản phí có thể gọi là “phí sân bay” nên giá thường cao hơn cách đi 2 chặng.
Tôi tới Melbourne đã hơn 22 giờ. Do muốn về nhanh để nghỉ ngơi rồi sáng mai dậy sớm đi tour núi tuyết, tôi mua vé skybus để về trung tâm. Vé xe buýt chỉ bán online hoặc bạn cần thẻ VISA để mua tại các máy bán vé tự động. Hoặc bạn có thể nhờ người dân ở Úc mua giùm rồi trả tiền mặt lại cho họ. Giá vé 1 chiều 22AUD nhưng vé khứ hồi chỉ có 36AUD, bạn sẽ tiết kiệm được 8AUD.
Tùy trường hợp của mọi người thì chọn cách đi sao cho tiết kiệm nhất. Nếu đi nhóm 4 – 5 người, gọi Uber, Didi có khi lại tốt hơn.
Cân nhắc mua gói data dung lượng khủng
Wifi free có hầu hết ở các điểm công cộng của Úc. Ngoài ra, gần trạm tàu, xe buýt thường có những trạm điện thoại của Telstra cũng là nơi phát sóng wifi và gọi điện miễn phí.
Nếu bạn cần 4G để tiện sử dụng cho chuyến du lịch 3 – 4 tuần, bạn thử vào chuỗi siêu thị Coles, Woolworths lớn, nơi hay có nhiều chương trình khuyến mãi. Tôi đi Úc 2 tuần, mua sim Lebara 8GB có thể gọi điện/ nhắn tin nội địa Úc với giá niêm yết là 14,9 AUD dùng trong 1 tháng. Nhưng thực tế tôi chỉ trả có 4 AUD khi mua ở siêu thị Coles.
Ở Sydney sử dụng thẻ Opal. Thẻ này phát hành miễn phí và phí di chuyển tính theo quãng đường.
Bạn sẽ không bị trừ quá 16.80AUD/ ngày thường hoặc 50AUD/ tuần hoặc 8.40AUD/ ngày dịp cuối tuần, ngày lễ. Việc nối chuyến, chuyển đổi giữa các phương tiện công cộng bạn sẽ nhận lại 2AUD/ chặng thay vì bị trừ toàn bộ chi phí cho mỗi chặng lẻ, với khoảng thời gian 60 phút cho mỗi lần nối chuyến.
Ở Melbourne, sử dụng thẻ Miyki, phí làm thẻ 6AUD và phí di chuyển tính theo thời gian. Trong vòng 2 giờ từ lần đầu bạn quẹt thẻ khi sử dụng phương tiện công cộng, bất kể quãng đường bạn di chuyển, lên xuống bao nhiêu trạm, chỉ cần trong giới hạn 2 tiếng, bạn chỉ bị trừ 4,65AUD.
Ở Brisbane, sử dụng thẻ Go Card, mở thẻ cần 30AUD, trong đó 20AUD để thanh toán phí chi chuyển và 10AUD đặt cọc, và phí tính theo vùng. 1 tuần 7 ngày, nếu bạn đã thanh toán cho 8 chuyến hành trình thì những chuyến tiếp theo trong tuần đó sẽ được giảm 50%. Bạn sẽ tiết kiệm thêm 20% nếu sử dụng phương tiện công cộng vào giờ cao điểm. Việc nối chuyến từ vùng này sang vùng khác, thẻ sẽ tự được tính tự động thành 1 chuyến.
Tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí
Những món ăn ở Úc đa phần có vị nhạt, béo và… khá đắt.
Tôi chọn đi siêu thị, mua đồ về tự nấu ăn. Một số hostel có khu vực nhà bếp để sử dụng. Nếu không có thời gian nấu, bạn có thể chọn quán bán món châu Á rẻ và hợp khẩu vị hơn như chuỗi Sushi Hub hay chợ Footscray với nhiều món Việt.
Tham gia những hoạt động miễn phí
Ở 3 thành phố lớn Sydney, Melbourne hay Brisbane đều có rất nhiều điểm tham quan miễn phí như viện bảo tàng, phòng tranh, thư viện…, rất phù hợp để đi vào những ngày mưa không thể tham gia hoạt động ngoài trời.
Ở Melbourne có chuyến tàu điện miễn phí chạy ngang dọc đường lớn đi qua các điểm quan của thành phố. Ở Brisbane có những chuyến xe buýt miễn phí ở khu trung tâm, ngoài ra bạn có thể trải nghiệm đi phà City Hopper miễn phí trên sông Brisbane để ngắm hoàng hôn thật đẹp.
Khi thời tiết đẹp, bạn hãy thử dạo công viên để thấy cuộc sống của người dân Úc quả thật yên bình. Picnic ở công viên Úc là một trải nghiệm thú vị. Công viên ở Úc thường có sẵn các lò nướng điện công cộng. Tôi đã có một buổi tối BBQ ở Kangaroo point và ngắm Brisbane về đêm.